Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Chuyện nghe ở bệnh viện – Chuyện về “nước mắt chảy xuôi”




Chuyện thứ I:

Mười giờ đêm, bà mẹ gọi con trai:
- Con ơi, mẹ đói bụng quá, có gì cho mẹ ăn chút không?
- Hết trơn rồi, không còn gì!
- Hay con cho mẹ uống miếng sữa đỡ đói cũng được.
- Sữa cũng hết rồi, chưa mua!
- Vậy, con xuống căng-tin mua cho mẹ cái gì ăn đi, mẹ đói quá!
- Căng-tin giờ này đóng cửa rồi, thôi ngủ đi, sáng tính!
Sáu giờ sáng, bà mẹ gọi con trai:
- Mấy giờ rồi con?
- Sáu giờ!
- Con đi mua đồ ăn sáng đi, mua cái gì cho mẹ ăn…
- Bảy giờ người ta mới mở cửa, ráng đợi chút đi! Bệnh gì mà lúc nào cũng la đói!
(Anh chàng này năm xưa, đói sữa, khóc nhè lúc nửa đêm, không biết ai là người thức dậy cho bú vậy ta?).


Chuyện thứ II:

Có một nhóm người tranh cãi về việc ai sẽ là người trực chăm nom người mẹ đang bệnh nặng. Một người nói:
- Mẹ cưng thằng Út nhất, mẹ chỉ muốn nó ở với mẹ suốt thôi.
Người có vẻ là Út nói:
- Được thôi, nhưng em còn phải đi làm, lái xe cho sếp người nước ngoài đâu có nghỉ được! Phải chia nhau mỗi người trực một bữa chứ! Mẹ có cả mười người con chứ đâu phải có mình thằng Út này?
Một người con gái nói:
- Thôi, tối nay em trực cho, nhưng sáu giờ sáng mai phải có ai vào thay cho em về đi làm. Anh Ba nha?
Anh Ba nói:
- Tao không vô sớm như vậy được, phải sau bảy giờ mới được, vì tao còn phải chở thằng Hậu và con Hương hai đứa đi học.
(Cái này là nước mắt chảy xuôi nè!).
Cô con gái lại quay qua người anh khác:
- Vậy, anh Hai sáng mai vô sớm nha, con anh lớn hết rồi, học xong đi làm rồi đâu phải đưa đón?
Anh Hai nói:
- Không được! Sau bảy giờ rưỡi tao mới vô được, vì tao còn phải chở chị Hai mày đi làm trước rồi sau đó mới vô được.
(Cái này là nước mắt chảy… ngang luôn nè! Nghe tới đây, mình thấy “oải” cho thế thái nhân tình quá nên bỏ đi mà không biết được anh em nhà họ đã giải quyết như thế nào việc chăm nom mẹ bệnh).


Chuyện thứ III:

Buổi sáng. Ông cụ nằm đó, phát ra một thứ “ngôn ngữ lạ”:
- Ú… ê… êu… uôn… ớ!
Ông con trai nói:
- Được rồi, được rồi, uống nước phải không? Chờ chút con lấy!
Người đàn ông lấy nước nóng rót ra từ cái phích nước, cẩn thận pha với một chút nước suối lạnh để được một ly nước ấm nhỏ. Sau đó, ông từ từ nâng đỡ ông cụ ngồi dậy và kê miệng ly nước vào đôi môi luôn mấp máy của ông cụ.
- U… ô… uớ… ái… ang! – Ông cụ lại nói bằng thứ tiếng riêng.
- Vâng, để con đi lấy cái bô. – Người đàn ông trả lời.
- Ớ… a… au… uô… ái…ouô!
- Vâng , con biết rồi! Con sẽ rửa sạch và lau khô. Bố cứ yên tâm.
Sau đó, người đàn ông đi lấy dụng cụ và chăm cho ông cụ đi vệ sinh một cách thuần thục, chu đáo. Nằm yên được một lúc, ông cụ lại nói:
- Ang… uố… ều… ều… ặc…
- Vâng, cháu lát nữa sẽ vào!
- Óa… ao… y… ỷ… oam…
- Hôm nay nó phải xin nghỉ một hôm để vào với ông. Chiều nay con phải đến công ty vì có cuộc họp không vắng mặt được. Cháu nó nghỉ học để vào với ông như mấy lần trước!
- Ô… oa… yê… ái… a… èo…uô!
- Không sao đâu, bố ạ! 
Buổi chiều. Tiếng ông cụ ú ớ lại vang lên:
- Au… ao… à… u… ơ…
- Dạ, con mới vô lúc ông đang ngủ. Ba con đi làm rồi ông! – Một cậu trai trẻ lên tiếng.
- Eon… im… oọc… uơ… ao… ao…
- Dạ, không sao đâu ông, chiều nay chỉ là giờ thảo luận thôi ạ! Con có xin phép nghỉ rồi.
- Ôn… oi… ou… à… uồm…
- Dạ, để con lấy cháo ông ăn!
Cậu trai chỉ khoảng mười tám đôi mươi mà đã có một sự kiên nhẫn với người già, hiểu được những gì ông cụ nói như thế sao? Bố cậu ấy hiểu đã đành, cậu ta cũng hiểu được ông nội nói gì thì quả thật thời nay hiếm có. Tôi tranh thủ lúc rảnh rỗi đã hỏi thăm cậu bé:
- Cháu hiểu được ông cụ nói gì sao?
- Dạ, cũng chỉ mài mại, và con trả lời để ông có người chuyện trò vậy thôi, chứ thật sự cũng không hiểu rõ ý ông lắm đâu chú!
- Nhưng chú thấy con trả lời và làm theo những gì ông ấy yêu cầu chính xác mà?
- Dạ, chú thấy vậy chứ không chính xác lắm đâu, nhưng riết rồi cũng quen nên con với ba con biết ông ngoại nói gì, cần gì mà làm theo, ban đầu cũng trật tùm lum mà giờ thì bớt trật rồi đó chú!
- Ủa, ông cụ là ông ngoại con hả?
- Dạ!
- Vậy, ba con…
- Là con rể của ông ngoại, dĩ nhiên rồi chú!
- Vậy, mẹ con đâu?
- Dạ, mẹ con mất sớm vì tai nạn rồi!
- Và bên ngoại không còn ai?
- Dạ còn chứ, con có hai cậu và ba dì…
- Vậy mà không ai chăm được ông ngoại mà lại để cho hai cha con con?
- Dạ, tại vì chỉ có ba con và con là hiểu được ông ngoại nói gì, cần gì thôi! Mấy cậu, mấy dì cũng quan tâm ông nhưng không chăm ông được.
(Ôi, nước mắt chảy ngược, mà ngược kiểu này thì thật là của hiếm có ở trên cõi đời ô trọc này).


Chuyện thứ IV:

Hắn ngồi đó, nơi góc tường hành lang khu Hồi sức tích cực, chờ đợi người ta gọi tên người thân của hắn đang nằm trong đó. Có khi người ta gọi tên người thân của ai đó đang nằm trong khoa Hồi sức tích cực chỉ để đi đóng tiền tạm ứng; có khi để tiếp tế đồ vệ sinh tã lót hoặc sữa. Bệnh nhân ở khu này là gần như cách ly hoàn toàn với bên ngoài, người thân chỉ biết chờ đợi thông tin từ phía các bác sĩ thông qua tiếng loa phát thanh ra ngoài.
- Xin mời người nhà bệnh nhân Đàm Thị Lý!
Tiếng loa vang lên làm hắn giật nảy người, nhưng dường như không đúng tên người nhà của hắn, bởi hắn vẫn ngồi yên không nhúc nhích sau cái giật mình vừa rồi.
- Xin mời người nhà bệnh nhân Đàm Thị Lý!
Hắn vẫn giật mình khi nghe tiếng loa, dẫu rằng sau đó ngay lập tức hắn nghe rõ không phải tên người thân của hắn. Hắn nghĩ ngợi, lấy làm lạ sao có ai đó mà không quan tâm đến người nhà của mình như vậy? Đã hai lần người ta gọi tên rồi mà…
Hắn ngáp dài. Hắn buồn ngủ lắm, sau hơn một ngày đêm thức trắng. Nhưng, hắn không dám ngủ, dù chỗ hắn ngồi là lý tưởng cho một giấc ngủ chợp mắt tạm thời. Bằng chứng là có vài người ngồi cạnh hắn đang say sưa… ngáy! Hắn sợ rằng khi hắn ngủ, người ta gọi tên thì hắn sẽ không hay biết. Bởi, với người thân của hắn đang nằm trong kia, hắn là người duy nhất đang chờ gọi tên ở bên ngoài.
- Xin mời người nhà bệnh nhân Đàm Thị Lý!
Hắn lại giật mình, và lại nhận ra không phải tên người nhà mình. Quái lạ! Ai lại bỏ bê người thân trong lúc “thập tử nhất sinh” này chứ? Mặc dù là đã có các y, bác sĩ lo, mình có ở đây cũng chẳng làm được gì, nhưng sao mà có thể yên tâm khi không ở đây cho được? Cái gia đình của ai đó đằng kia sao mà đông đúc thế? Mười mấy người tụ tập lại một chỗ bàn tán xôn xao… Đây chắc là nhóm người anh em một nhà hôm qua tranh cãi xem ai sẽ là người phải trực chiến trông nom mẹ đây mà. Người nằm trong khoa kia chắc là mẹ của họ. Người có con đông quả nhiên có phước, hầu như cả nhà đều có mặt ở đây, chẳng bù cho…
- Xin mời người nhà bệnh nhân Đàm Thị Lý!
Hắn lại giật mình với tiếng loa. Chết tiệt! Người ta đã không có ở đây mà cứ gọi hoài! Người cần nghe gọi để nhân tiện hỏi thăm tình hình sức khỏe của người nhà mà không gọi, cứ gọi mãi một người. Cả đám người đông đảo, ồn ào kia nữa, cần gì phải tụ tập đông như thế chứ? Người ta có gọi tên thì cũng chỉ có một người nhà được vào thôi, cứ làm như phải chia của không bằng! Ồn ào như thế thì làm sao mà nghe được?
- Xin mời người nhà bệnh nhân Đàm Thị Lý!
Không hiểu sao cứ mỗi lần tiếng loa vang lên như thế là hắn lại giật mình. Hắn nghe xong không phản ứng, chứng tỏ không đúng tên người nhà của hắn, nhưng sao hắn lại giật mình? Có cái gì đó đang giằng xé tâm can, hắn tưởng tượng nếu là mẹ… Ừ, nếu là mẹ hắn nằm trong đó thì sao? Chắc chắn hắn không thể bỏ mặc như vậy được, ít ra phải hỏi xem có tiến triển, có hy vọng gì hay không chứ! Hắn nhăn mặt. Hắn đau ư? Ồ, không! Hắn đang khóc! Tại sao hắn lại khóc nhỉ? Như bao người khác ở đây thôi, đang chờ tin người nhà, đã nghe ngóng được gì đâu? Sao hắn lại khóc chứ?
- Xin mời người nhà bệnh nhân Đàm Thị Lý!
Tiếng loa vẫn kiên nhẫn kêu gọi, cũng vẫn chỉ một cái tên… Hắn cúi gầm mặt. Một lúc thật lâu sau, hắn đột ngột đứng lên và bỏ đi. Chắc hắn cho rằng tiếng loa đã tra tấn tinh thần hắn. Hắn không chịu đựng nổi sự chờ đợi và nỗi hồi hộp điếng người mỗi khi có tiếng loa… Hắn đã quyết định bỏ đi và không quay lại…
- Xin mời người nhà bệnh nhân Đàm Thị Lý!
Tiếng loa như một thói quen lập lại trong vô vọng.
Mấy ngày sau, có một thông tin được công bố trong thông cáo báo chí, rằng tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhân dân 115, có một bà cụ 70 tuổi, mắc bệnh ung thư phổi di căn cấp tính, đã bị người thân bỏ mặc trong bệnh viện và đã tử vong mặc dù các bác sĩ trong khoa tận tình cứu chữa suốt ba ngày đêm. Được biết, trước đó, bà cụ có một người thân trông nom là một chàng trai trẻ, nhưng khi bà cụ được đưa vào khoa Hồi sức tích cực thì không thấy cậu ta đâu nữa…
Ôi, chẳng lẽ chàng trai đó là hắn?

Chuyện thứ V:

Dũng, thanh niên phơi phới 24 tuổi, đang cùng với mẹ ở trong bệnh viện chăm sóc bà ngoại bệnh nặng. Dũng không nề hà chuyện phải thay mẹ nuôi bà trong bệnh viện. Cu cậu sẵn sàng sau giờ làm là lại vào bệnh viện để thay thế cho mẹ mình về nghỉ…
Đang trong một lúc như thế, Dũng nhận một cuộc gọi điện thoại của Thái, một người anh họ bằng tuổi, con của ông bác anh ruột của mẹ:
- Ê, Dũng! Nghỉ lễ sắp tới đi Phan Thiết chơi không?
- Trời đất! Bà ngoại em tức là bà nội anh, đang bệnh nặng nằm trong bệnh viện như vậy thì lòng dạ nào mà đi chơi chứ?
- Ôi dào! Bà nội thì đã có mấy cô, mấy chú lo rồi, tụi mình thì làm được gì chứ? Ngày nghỉ lễ mà không đi chơi sao được, có cả anh Tùng và anh Châu con bác Hai đi nữa đó!
- Thôi, mấy ông thích thì cứ đi đi! Tui còn phải phụ với mẹ tui lo cho bà ngoại. Lễ thì lễ, không đi chơi cũng đâu có sao. Mà, từ lúc bà ngoại nhập viện tới giờ, anh có tới thăm lần nào chưa?
- Có ba mẹ tao thăm rồi.
- Bác Ba có đi thăm là chuyện của bác Ba, là bổn phận và tình cảm của con đối với mẹ. Còn tụi mình là tình cảm cháu nội, cháu ngoại đối với bà chứ! Hổng lẽ anh không có thương bà sao? Mà hổng lẽ bác Ba cũng chỉ đi thăm thôi chứ không phụ với mẹ em chăm sóc cho bà ngoại?
- Thôi, mệt mày quá! Mày không đi thì thôi, tao không rủ nữa!
- Vậy, anh có vô thăm bà không?
- Thì thăm, nhưng để tao đi chơi về đã! Thôi nhe, tao cúp máy đây!
(Hix! Con cháu cũng năm bảy đường con cháu, có hiếu với cha mẹ thì cũng hiếu thảo với ông bà; mà thờ ơ với ông bà thì cũng sẽ dễ dàng bỏ mặc cha mẹ khi sức yếu về già. Người không quan tâm cha mẹ sẽ bị con cái mình bỏ mặc sau này, âu cũng chỉ là “gieo quả nào gặt quả ấy” mà thôi!).


Chuyện thứ VI:
Lời yêu thương muộn màng

Mẹ ơi! Con biết là mẹ muốn về nhà lắm rồi.
Con biết mẹ đã phải chịu khổ sở cả hơn hai tuần nay tại bệnh viện này rồi.
Nhưng mẹ ơi! Con không có quyền…
Cả bác sĩ cũng không có quyền…
Ôi, mẹ ơi! Con đau xót lắm khi thấy mẹ phải chịu đựng đau đớn như vậy. Nào là ống nội khí quản, ống hút dịch, ống nuôi ăn… cắm vào mồm, vào cuống họng của mẹ, để đến hôm nay cái vòm miệng của mẹ đã sưng vếu lên rồi. Cả hai tay và hai chân của mẹ đều bị buộc chặt vào thành giường…
Con biết mẹ muốn nói với con điều gì dù mẹ không thể nói. Bằng ánh mắt, cái lắc đầu, mấy ngón tay ngoe nguẩy như muốn ngoắt con lại gần và miệng thì ú ớ không nói được do vướng mấy đường ống, con biết mẹ muốn về nhà, mẹ muốn buông xuôi…
“Thôi, không xong rồi, đàng nào cũng thế thôi, cho tao về đi!”.
Con hiểu ý mẹ muốn nói thế, mẹ muốn về nhà, muốn ôm ấp, hú hí với các cháu nội, ngoại. Mẹ thèm lắm cái không khí gia đình, hãy cho mẹ về hưởng sự đầm ấm một chút thời gian cuối đời mẹ, một chút thôi rồi mẹ ra đi cũng cam, chứ cứ kéo dài lê thê công cuộc giành giựt mạng sống với thần chết như thế này là kéo dài thêm sự đau đớn, khổ sở cho mẹ mà chẳng lợi ích gì.
Con biết lắm mẹ ạ! Con đau lòng lắm khi được bác sĩ cho biết rõ về bệnh tình của mẹ…
Con đã khóc suốt đêm qua mà không hề chợp mắt được một chút nào.
Căn bệnh viêm phổi mạn tính của mẹ đã vào thời kỳ cuối, đã kháng tất cả các loại kháng sinh mạnh nhất, mới nhất hiện nay, rằng mẹ cầm cự được đến hôm nay đã là kỳ tích…
Bác sĩ không dám, con không dám, anh chị Hai con không dám, và đám em út, con cháu con lại càng không dám… đồng ý cho mẹ về nhà.
Con cũng không biết là làm như vậy là thương mẹ hay ác với mẹ nữa?
Mỗi ngày người ta rút trong phổi mẹ ra cả lít nước dịch có cả đàm, mủ. Mẹ duy trì được là nhờ ở những đường ống đó, bây giờ mà xin rút ống để về nhà thì liệu mẹ sống được với con cháu bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ, thậm chí là bao nhiêu phút? Mẹ ơi, con không dám đâu, mà con nghĩ các bác sĩ cũng không dám đâu! Còn nước là họ còn tát, còn duy trì được bao lâu là họ phải duy trì dù biết trước là sẽ không xong. Y đức của họ buộc họ phải như thế. Con thì không biết gì về y đức, nhưng con cũng cảm thấy không thể chiều theo ý mẹ được. Con không thể nào xin cho mẹ về để chết được, dù rằng đó là một sự giải thoát cho mẹ.
Mẹ ơi, hãy sống với chúng con được giây phút nào thì hay giây phút đó, mẹ nhé! Mẹ hãy sống với chúng con, dù là sống trong phòng hồi sức cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Hãy sống với chúng con, dù mỗi ngày mỗi đứa chúng con chỉ được vài mươi phút vào thăm mẹ. Mẹ nằm đó lạnh lẽo, dây nhợ, đường ống gắn đầy người, chịu bao sự đớn đau, giày vò… nhưng mẹ vẫn sống, và chúng con không bao giờ tắt niềm hy vọng.
Ôi, con sắp mất mẹ rồi! Ngàn lần sự thật có phũ phàng, con cũng không tin.
Con không thể tin được rằng con sắp mất mẹ.
Mẹ ơi! Con xin lỗi vì đã bao lần con hỗn hào với mẹ. Con sa sả những lời mắng mỏ, hằn học với mẹ cũng chỉ vì tính tình tự thủ ích kỷ của mình.
Con xin lỗi mẹ vì đã thiếu chăm nom mẹ, để đến nỗi sức khỏe của mẹ ngày một yếu đi, vậy mà con vẫn thờ ơ, vô tâm gạt bỏ những lời yêu cầu giúp đỡ thích đáng của mẹ mà đáng ra con phải tự biết để giúp mẹ.
Con sân si tranh giành và cả ganh tỵ với các em, nhất là thằng Út. Mẹ cưng nó quá mà, thì để nó lo cho mẹ chứ, sao cái gì cũng phải là con? Sửa cái nhà, mua cái xe cho nó, mẹ cũng bảo con. May là con chậm chồng, chứ như người ta thì giờ này con của con đã lớn, tập trung lo cho chúng nó thì còn đâu thì giờ, tiền bạc mà lo cho mẹ? “Nước mắt chảy xuôi” mà mẹ! Bằng chứng là mấy đứa em của con đó, cả ông anh Hai cao cả của con nữa, đứa nào cũng lo cho vợ, cho chồng con chúng nó, chứ có đứa nào lo cho mẹ không? Tất cả cũng chỉ có con thôi, không chồng, không con, không vướng bận nên mới có thể toàn tâm toàn ý mà lo cho mẹ thôi. Mẹ có biết không?
Ôi, những sự gằn hắt ấy, tính tình ích kỷ ấy, đáng lẽ con phải sáng suốt nhận ra rằng, đã gây ra cho mẹ bao nhiêu nỗi muộn phiền, buồn bực. Một đứa con gái lớn muộn chồng, chỉ riêng điều đó thôi đã làm cho mẹ phải bận lòng lo lắng biết bao, vậy mà lại còn phải chịu đựng cái tính khí thất thường của con nữa… Không biết là con phải quỳ gối như lúc trẻ thơ phạm lỗi cha mẹ bắt quỳ, và phải nói lời kính cẩn xin lỗi bao nhiêu lần mới xóa hết được tội lỗi của con? Lạy Trời, lạy Phật! Con cắn cỏ cầu xin người hãy phù hộ độ trì cho mẹ con được tai qua nạn khỏi.
Mẹ ơi, không phải là khi con sắp mất mẹ rồi, con mới tỏ ra yêu mẹ như thế đâu. Con lúc nào cũng yêu mẹ, bởi mẹ là mẹ của con. Trước đây chẳng qua vì chủ quan và vô tâm nên con xao nhãng chuyện quan tâm đến mẹ, chứ nào phải con không yêu mẹ đâu? Bây giờ con tiếc hận biết bao nhiêu. Con đã bỏ lỡ nhiều cơ hội được gần gũi mẹ, để được mẹ ôm ấp vỗ về như lúc còn thơ. Con đã có bao điều tâm sự mà không nói với mẹ. Con chủ quan cho rằng mình học cao thì khó mà chia sẻ mọi điều với mẹ chỉ mới học hết lớp năm. Con không biết được rằng trường đời đã dạy mẹ cả kho kiến thức vào đời, chẳng thế mà mẹ bươn chải nuôi cho ăn học đầy đủ cả mười đứa con.
Mẹ ơi, bây giờ thì đã muộn mất rồi! Mẹ đã không còn có thể nghe được những tâm sự từ đáy lòng của con. Mẹ cứ nằm đó, thở bằng máy, ăn bằng ống, hiểu được chúng con nói bằng những cái chớp mắt, những cái gật đầu, cái ngoắt tay ra hiệu và bằng cả những… giọt nước mắt!
(Ghi lại tâm sự chia sẻ của một chị nuôi mẹ bệnh nặng tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân 115).

Xuân Vinh






Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Tấm lòng mẹ (truyện ngắn)


Tấm lòng Mẹ


Bà Năm thẫn thờ ngồi thụp xuống bậc thềm góc tường nhà vệ sinh. Bà không thể ngờ bây giờ bà lâm vào hoàn cảnh đi chẳng được, ở lại không xong như thế này. Bà ở tận An Giang, bắt xe đò từ sớm tinh mơ để lên Sài Gòn cho kịp tận mắt nhìn thấy con gái bà nhận bằng cử nhân kinh tế…

*

Ngọc là con lớn, là chị Hai của ba đứa em, con của bà Năm “Bún Mắm” ở Tân Châu, An Giang. Cha Ngọc mất sớm do tai nạn lao động khi mẹ đang mang bầu thằng Út, lúc Ngọc mới học lớp tám. Bà Năm, với gánh bún mắm dựng tạm nơi góc phố ở thị xã Tân Châu, đã bươn chải hằng ngày nuôi Ngọc và mấy đứa em ăn học. Dù vất vả nhưng bà vẫn cố gắng để lo cho đàn con, mong cho chúng sau này thành đạt mà sống khá hơn cuộc đời lam lũ của bà, cuộc đời không đi cày thuê cấy mướn cũng buôn gánh bán bưng đầu đường xó chợ. Nhất là con Ngọc, nó siêng năng, có tư chất nên học rất giỏi, nếu cho nó nghỉ học để phụ việc buôn bán với bà thì uổng cho nó quá. Nghĩ vậy nên bà đã không bằng lòng với lời đề nghị được ở nhà phụ giúp buôn bán kiếm tiền nuôi các em của Ngọc, khi ba nó mới mất. Bà đã sung sướng rất nhiều khi Ngọc thi đậu đại học, một trường đại học ở tận Sài Gòn. Bà cảm thấy mãn nguyện, bao nhiêu nỗi cơ cực giờ đã được đền đáp. Niềm vui đó đã giúp cho bà có một nghị lực phi thường để làm đủ mọi công việc khả dĩ có thể kiếm ra tiền trang trải cho việc theo học đại học của con gái nơi thành phố xa xôi. Thấm thoát thoi đưa, bốn năm đại học của Ngọc cũng qua nhanh chóng. Được tin Ngọc gọi về cho hay, một ngày cuối tháng tám sẽ là ngày con gái của bà được vinh dự bước lên bục danh dự nhận tấm bằng cử nhân, bà Năm đã quyết định lên Sài Gòn một chuyến để tận mục sở thị khung cảnh trong giấc mơ trở thành hiện thực ấy.

*

- Má ơi, má cho con nghỉ học ở nhà phụ má buôn bán, nuôi dạy các em, chứ giờ có một mình má làm sao cáng đáng nổi?
- Không, má còn lo được thì con cứ ráng học, được đến đâu hay đến đó con à, khi nào má không lo nổi nữa thì lúc đó con nghỉ cũng không muộn. Thôi, con cứ ráng lo học cho giỏi, để còn có tương lai, mọi chuyện con cứ để má lo.
- Nhưng mà con thấy má cực khổ quá, con bỏ má ở nhà lên Sài Gòn học, con không yên tâm má à!
- Con cứ yên tâm đi, má lo được mà! Đây là tiền cho con lên Sài Gòn nhập học, trước mắt chỉ có bấy nhiêu, khi nào thiếu cứ gọi điện về để má gửi thêm lên cho con.
- Dạ, nếu vậy, khi lên Sài Gòn con sẽ kiếm việc làm thêm để có tiền đóng học phí, má khỏi phải lo cho cực, nghen má!
- Ừa, tùy đó con, nhưng con phải biết giữ gìn sức khỏe và việc học phải là việc quan trọng hơn hết nghe con!

Suốt thời gian ngồi trên xe, bà Năm “Bún Mắm” cứ miên man hồi tưởng. Bà nhớ lại quãng đời cơ cực đã qua. Nhiều lúc, vì bao nỗi cực khổ của một người đàn bà góa nuôi con thơ dại, lúc đứa nhỏ nằm viện, khi đứa lớn ốm đau…, bà đã năm lần bảy lượt muốn gọi cô con gái lớn về, nhưng với viễn cảnh khổ sở giống như hoàn cảnh của bà mà con bà sẽ phải chịu nếu bỏ dở việc học hành, bà lại thôi. Cũng may mà mọi sự cũng trôi qua, bây giờ con Ngọc đã có thể giúp bà trong việc lo cho lũ em học hành lên cao giống như nó, bà bất giác mỉm nụ cười mãn nguyện bâng quơ…

*

Bước xuống xe, đặt chân lên mặt đường trải nhựa của nơi phố thị sầm uất, đông đúc, ồn ào gấp mấy lần nơi thị xã quê nhà, Ngọc không khỏi bỡ ngỡ, hồi hộp dù đây không phải là lần đầu tiên Ngọc lên Sài Gòn. Ngọc đã được bà Năm dẫn đi Sài Gòn mua sắm hàng họ một năm khoảng đôi ba lần. Tuy nhiên, lần lên Sài Gòn này được Ngọc xem như là lần đầu tiên, theo nghĩa phải hòa nhập, phải trở thành “người Sài Gòn” mới thỏa mãn điều kiện để đổi đời, có cuộc sống tương lai tốt hơn.
Với tâm nguyện như vậy, Ngọc đã quyết tâm thực hiện kế hoạch đổi đời của mình. Việc đầu tiên Ngọc làm sau khi ổn định việc ăn, ở và học tập tại ký túc xá Trường đại học Kinh tế là đi tìm công việc làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm tiền chi phí cho sinh hoạt đắt đỏ nơi đô thị. May mắn cho Ngọc là chỉ sau ba tháng đầu tiên nhập học, Ngọc đã kiếm được việc làm gia sư ngoài giờ cho hai nơi là học sinh tiểu học, con nhà khá giả, với số tiền công hằng tháng kha khá. Ngoài ra, Ngọc còn cùng với vài người bạn chung nhau làm “đại lý” dịch vụ phục vụ sinh viên các nhu cầu như: cơm trưa, photocopy  tài liệu, sách vở, sim điện thoại, linh kiện máy vi tính và phần mềm tin học… Nhờ đó, Ngọc đã kiếm được tiền trang trải cho việc học tập mấy năm trời ở Gài Gòn mà không phải xin tiền má dưới quê. Bà Năm cũng hoàn toàn yên tâm mà lo cho mấy đứa nhỏ. Không chỉ vậy, mỗi dịp nghỉ hè hay lễ, Tết, Ngọc còn đem về nào là quà bánh, áo quần cho má và các em khi về thăm, dù là những lần về quê ấy thật hiếm hoi và ngắn ngủi do bận bịu vào những công việc làm thêm, học thêm ấy…
Xuất thân là một cô gái quê mùa, sau bốn năm theo học và tự bươn chải nơi thành phố năng động, Ngọc đã trở thành một cô gái thành thị sành điệu không thua kém bất cứ một người bạn Sài Gòn nào, từ cách ăn mặc, cách trang điểm khi đi ra ngoài gặp gỡ đối tác trong học hành cũng như trong công việc, đến lời ăn tiếng nói, cách thức giao tiếp đầy lịch lãm và phong cách rất là “hot girl”, như các bạn đồng học của Ngọc thường gọi đùa theo cách mến mộ. Vừa ra trường với tờ giấy chứng nhận tạm tốt nghiệp cử nhân, Ngọc đã tìm được việc làm ngay tại một công ty nước ngoài do đã làm việc tốt trong thời gian thực tập trước đó...
Ngọc bây giờ đã không còn là một cô gái quê mùa nữa, mà đã là một thiếu nữ thành thị với phong cách rất “modern”, hợp thời. Nếu có ai đó yêu cầu Ngọc mặc lại những bộ quần áo chân chất, đậm đà bản sắc quê hương như năm xưa Ngọc vẫn thường thích mặc, như áo bà ba, quần lãnh đen… chắc chắn sẽ vấp phải sự từ chối dứt khoát. Ngọc đã từ bỏ những cái đói nghèo, những cái quê mùa tối tăm để vươn lên đổi đời thành người có tri thức, người ở tầng lớp khá, sang trọng trong xã hội, vô hình trung từ bỏ cả những thứ kèm theo dù những thứ đó không hoàn toàn là xấu xa, tăm tối. Ngọc đã chính thức “hội nhập”.

*

- Cái con Hồng giờ này mà cũng chưa chịu lo ủi quần áo chuẩn bị cho ngày mai dự lễ tốt nghiệp nữa, bà có thấy nó đâu không Ngọc?
- Hồi sáng nó có nói với tui là nó về đón má nó lên dự lễ, chắc phải tối nay mới lên tới đó Lan ơi!
- Ủa vậy hả, vậy sao nó hổng nói gì với tui hết vậy cà? Ừa, mà có má lên dự lễ phát bằng cử nhân cho mình cũng vui, tiếc là tui không còn ba má!
- Không có cũng đâu có sao, dù gì ở dưới quê hay tin mình học hành tới nơi tới chốn thì cũng vui rồi, lên đây làm chi cho rộn chuyện.
- Không phải đâu Ngọc à, có ba má lên xem mình thành danh, đó là niềm tự hào của ổng bả, cũng là niềm vui của mình khi có người thân chứng kiến cho thành quả học tập bao năm qua. Tui ước tui có má để có niềm vui này. Bà có rước má bà lên không?
- Không, má tui bận rồi! 
Thật ra thì bà Năm dù có bận, nhưng đó không phải là lý do để cho bà vắng mặt trong ngày hạnh phúc được ngắm nhìn con mình thành danh. Ngọc không muốn bà Năm xuất hiện bên cạnh mình trước ánh mắt hàng trăm người với dáng vẻ nhà quê.

*

Không gian chật hẹp của ngôi trường đại học Kinh tế nơi trung tâm thành phố lại càng chộn rộn với không khí sôi động của sự chuẩn bị cho buổi lễ. Lễ tốt nghiệp ra trường cho những tân cử nhân được tổ chức vào đúng ngày thứ bảy cuối tuần. Những tân cử nhân kinh tế súng sính trong những bộ áo thụng trang trọng được chuẩn bị từ trước trông thật chững chạc, uy nghi. Bà Năm hân hoan mường tượng con gái mình xinh đẹp, sang trọng trong bộ áo mão cân đai như thế. Bà không ngờ rằng Trời Phật đã phù hộ độ trì cho bà, cho con gái bà con đường học hành suôn sẻ, thành đạt như thế, trong khi gia đình bà bao đời nhà nông đầu tắt mặt tối bán mặt cho đất, bán lưng cho trời…
Bà Năm cứ nấn ná, quanh quẩn khu vực nhà vệ sinh của trường. Có khu vực dành riêng cho các bậc phụ huynh đến xem con mình được xướng danh lên nhận bằng tốt nghiệp cử nhân, có truyền hình trực tiếp từ hội trường lớn, nơi tiến hành buổi lễ, nhưng bà vẫn e ngại không dám bước ra đó. Bà như một người lao công đang dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường. Không ai chú ý đến bà, nên bà cứ lởn vởn quanh đó lắng nghe tiếng loa phóng thanh từ xa… “Thôi thì mình nghe họ đọc tên con mình là cũng mãn nguyện lắm rồi”, bà Năm đã tự nhủ như vậy.
Khi từ nhà ra đi, bà Năm đã cố chọn bộ quần áo tươm tất nhất, bộ quần áo bà ba bà chỉ mặc vào những dịp “trọng đại”, như đi dự tiệc cưới bà con họ hàng mời, đi họp Hội Nông dân, đi họp phụ huynh… Vậy mà…
Khi bà đặt chân lên thành phố, một nơi thật ra cũng chẳng lạ lẫm gì đối với bà bởi vì công việc chợ búa, bà vẫn thường bắt xe đò lên Chợ Lớn cất hàng. Bà tìm đến ngôi trường đại học mà Ngọc theo học. Bà hỏi thăm người ta đến phòng giáo vụ, rồi đến nơi dành cho phụ huynh dự lễ, để rồi bà rất may - theo như lời của Ngọc - là đã gặp con gái bà trong lúc trời còn sớm, khu vực tiến hành buổi lễ còn vắng thưa người, chưa có ai phát hiện ra bà. Chưa có ai biết bà là… mẹ đẻ của cô tân cử nhân Trương Thị Hạ Ngọc.
Bà Năm đã ước muốn được nhìn thấy con mình thành tài. Bà thèm thuồng nhìn những ông bố, bà mẹ ngoài kia đang chụp ảnh lưu niệm với đứa con xông xênh trong bộ áo thụng cử nhân của họ. Bà thấy họ cười nói vui vẻ, ôm đứa con thành đạt của mình vào lòng… Bây giờ tâm trạng bà lại rối bời. Bà vừa muốn đến nhìn Ngọc được vinh danh, muốn chia sẻ niềm vui cả của mình lẫn của con, nhưng bà cũng vừa hối hận vì đã cố lên đây, để rồi làm cho con gái bà khó xử, làm cho Ngọc xấu hổ với bạn bè… Khi mà vừa gặp bà, Ngọc đã không vui mừng, lại còn thốt lên:
“Trời ơi! Má lên đây làm chi! Con chỉ báo tin cho má ở nhà vui thôi, con đâu có kêu má lên! Khổ má quá! Má nhìn má đi, con như vầy, mà má lại ăn mặc như vầy! Quê chết đi được đó má! Thôi, má cứ ở ngoài này chứ đừng vô trỏng nghe! Để người ta biết má là má con thì con chết cho má coi! Chừng xong lễ con đưa má về!”.

*

Bà Năm thẫn thờ ngồi thụp xuống bậc thềm góc tường nhà vệ sinh. Bà không thể ngờ bây giờ bà lâm vào hoàn cảnh đi chẳng được, ở lại không xong như thế này. Bà ở tận An Giang, bắt xe đò từ sớm tinh mơ để lên Sài Gòn cho kịp tận mắt nhìn thấy con gái bà nhận bằng cử nhân kinh tế…



Hoàng An

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Chuyện kể mỗi ngày


Sáng tạo từ điển dành cho báo chí



Bạn đọc: Ê, cậu viết “ồn ỹ” nghĩa là sao vậy?

Phóng viên: Có vậy mà không biết hả? “Ồn ỹ” là ghép hai từ “ồn ào” và “ầm ỹ” lại với nhau đó!

BĐ: Ai cho cậu ghép ẩu vậy chớ? Bộ cậu muốn “sáng tạo” từ mới hả?

PV: Sao lại không được, ngôn ngữ cũng như các lĩnh vực khác, sẽ phát triển và biến đổi theo thời gian mà! Cũng như từ “cụ tỉ” là ghép của hai từ “cụ thể” và “tỉ mỉ”.

BĐ: Rồi, cậu nói vậy thì tớ biết mấy từ “sưa tặc”, “vàng tặc”, “quặng tặc”... (những từ thuần Việt ghép với từ “tặc” Hán-Việt) là xuất phát từ đâu rồi. Vậy, tớ đề nghị cậu viết luôn cuốn tự điển tiếng Việt kiểu mới dành riêng cho giới báo chí luôn đi nha, rồi đi đăng ký sở hữu bản quyền luôn, không thôi lại bị “ăn cóp” thì thiệt thòi.

PV: “Ăn cóp” là cái gì?

BĐ: Thì là “ăn cắp” và “copy” chứ gì!



Hoàng An






Ứng xử khi va quẹt giao thông

Hôm nay, trên đường đi làm, tớ chứng kiến một câu chuyện đường phố khá lý thú ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Một người đàn ông trông có vẻ to con lực lưỡng điều khiển một chiếc Air Blade trông còn mới (hoặc mới rửa) bóng loáng đi với một tốc độ vừa phải. Bất ngờ có một chiếc Wave S do một thanh niên điều khiển vọt lên định vượt qua mặt chiếc Air Blade kia, nhưng vướng một chiếc taxi phía trước nên quặt tay lái sang phải, va vào chiếc Air Blade làm người đàn ông bị ngã đổ xe xuống đường. Lập tức người đàn ông đứng dậy dựng xe vào lề đồng thời cũng kịp níu giữ người thanh niên đó lại. Tớ nghĩ chắc chắn 100% sẽ có cự cãi lôi thôi đây.
- Này anh, anh đi đâu mà vội vàng thế? Nguy hiểm vậy anh có thấy không? – Người đàn ông hỏi với một giọng từ tốn không ngờ.
- Dạ, em hơi vội, em xin lỗi, xin anh bỏ qua cho, hay anh xem xe của anh có bị sao không, em xin chịu chi phí sửa chữa? – Người thanh niên cũng khiêm cung một cách không ai ngờ.
- Anh dù có vội cũng phải nên thận trọng chứ, tai nạn giao thông không chừa một ai đâu. Thôi, anh có việc vội thì đi đi, xe có bị trầy một chút cũng không sao, tôi tự sửa được!
- Vậy, em cảm ơn anh! Em tên Hùng, còn anh tên gì, nhà ở đâu, hay anh cho em số điện thoại để hôm nào em mời anh chầu cà phê tạ lỗi?
- Tôi tên Quang, số điện thoại.....
Rồi sau đó, tớ không biết họ có trở thành bạn của nhau hay không vì tớ phải đi làm tiếp. Tưởng đâu họ lao vào nhau ẩu đả chứ, hóa ra trên đời còn có những người ứng xử với nhau thật tuyệt vời. Thêm một người bạn bao giờ cũng vui vẻ và hạnh phúc hơn là thêm một kẻ thù. Phải không các bạn?

HA



Công nghệ hiện đại thật là tai hại

Hôm nay, tui nhìn thấy trên đường phố một người đàn bà gầy guộc, đen đúa, khó đoán được tuổi của bà ta nhưng chắc chẳng còn trẻ. Bà ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, vừa đi vừa lải nhải một mình những lời khó nghe, thỉnh thoảng lại nói lớn lên hoặc hét lên và vung tay như đang chửi rủa hay cãi nhau với ai đó. Tui quan sát một hồi thì nhận ra đó là một người điên, thôi thì kệ bà ấy chứ thiệt tình tui chẳng giúp được gì.
Đi một đoạn thì tui lại thấy một người cũng đang nói một mình. Người này là một người đàn ông trung niên, ăn mặc rất lịch sự, đang điều khiển một chiếc xe tay ga sang trọng đi gần như song song với tui. Ông ta cũng đang nói chuyện một mình, hai tay thì vẫn cầm chắc tay lái, thỉnh thoảng lại nói lớn lên và thậm chí văng tục. Trời ạ! Sao hôm nay gặp nhiều người điên vậy nè! Tui tò mò nhìn ổng hoài, xem có phải ông ta cũng bị điên hay không...
Tui chạy xe áp sát vào xe của người đàn ông để nhìn cho rõ, xác định xem nếu ông ta bị điên mà đi ngoài đường như vậy thì nguy hiểm quá! Tui cứ nhìn, nhìn hoài... Ông ta vẫn cứ nói không ngừng... Đột nhiên, tui nghe thật rõ ông ta nói hai tiếng “Thôi nha!” rồi im bặt, im lặng hoàn toàn. Vừa lúc đó thì tui cũng nhìn thấy trên vành tai của ông ta có gắn cái gì đó... Tui chợt hiểu ra là ông ta vừa rồi đã nói chuyện qua điện thoại di động với ai đó bằng bộ headphone không dây. Công nghệ hiện đại mà làm tui cứ tưởng...

HA


Ở đâu có cò?

Hai ông bạn già trong cữ café sáng ngồi tâm sự với nhau chuyện trên trời dưới đất. Một ông chợt ngân nga: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa miếu bay ra cánh đồng”, rồi nói:
- Xứ sở của ta xưa có nhiều giống cò, nhiều đến nỗi nó đi vào ca dao, đi vào từng câu hò dân gian… Thế mà bây giờ giống cò lại là loài hiếm thấy ở nước ta đấy ông ạ!
Ông kia cũng tiếp lời:
- Cò ở nông thôn có nơi còn có dù là ít, nhưng ở thành phố thì đầy rẫy đấy ông ơi!
- Ông toàn nói ngược, cò bây giờ là động vật quý hiếm, chỉ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thì may ra còn, chứ ở thành phố thì làm gì có, họa chăng vào sở thú thì thấy thôi!
- Ông mới là không biết gì về thời cuộc, thành phố bây giờ có lắm thứ cò, như cò mua bán, cò bất động sản, cò sổ đỏ, cò bệnh viện, cò vé xe, vé tàu, cò chạy trường, cò chạy án, chạy chức quyền… Hầu như là lĩnh vực nào cũng có cò! Thôi, để tui đọc tiếp câu ca dao ông vừa đọc nhé: “Cha mẹ sinh đẻ tay không/ Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi/ Trước là nuôi cái thân tôi/ Sau nuôi đàn trẻ nuôi đời cò con”.


HA


Đạo

Chuyện nghe được tại một quán café cóc vỉa hè:
- Dạo này sao có nhiều người theo nghề đạo sĩ quá bác nhỉ!
- Làm gì có? Tui có thấy ông đạo sĩ nào đâu? Hay ông biết thì chỉ cho tui coi thử có giống đạo sĩ trong phim Tàu không?
- Hổng phải đạo sĩ Tàu đâu bác, ý tui nói là mấy cha chuyên gia “đạo” đó... như đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo ảnh, đạo phim, đạo ý tưởng và đạo cả... bài phát biểu nữa đó! Ê, chết tui rồi... đạo... cụ... nó mất rồi! Hu hu hu!
- Thôi nào, bình tĩnh nào, đạo cụ là cái gì mà mất?
- Trời ơi là trời! Bà chủ quán đâu rồi? Cái xe đạp tui mới dựng sát lề đây mà đứa nào “đạo” mất... cụ nó rồi! Tổ cha cái lũ... đạo chích!

HA

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Văn hóa tiếng rao hàng rong


Văn hóa tiếng rao hàng rong

Một trong những đặc điểm về thương nghiệp của dân Việt là buôn bán nhỏ, gọi là tiểu thương cho có vẻ văn hoa tí, đó là việc bán hàng rong. Người Việt không ai không biết đến “gánh hàng rong” đã đi vào văn thơ, vào nghệ thuật như thế nào, và biết bao người thành đạt, thành danh cũng từ gánh hàng rong của mẹ...

Trong phạm vi một vài dòng ghi chú (note) thì không thể bàn sâu hết những phẩm chất văn hóa truyền thống của “gánh hàng rong”. Ở đây chỉ xin mạn phép nói về một khía cạnh, một nét văn hóa của nghề bán hàng rong, đó là tiếng rao hàng.

- “Ai… chè đậu xanh nước dừa đường cát trắng… hông!”.

- “Ai… xôi!”.

- “Bánh chưng, bánh giò!”… 

Những lời rao không biết tự bao giờ đã đi vào lòng người, để những lúc hồi tưởng, bao người sống xa quê lại man mác một nỗi nhớ quê hương…

Ngày nay, để giảm bớt phần nào nỗi cơ cực của nghề bán hàng rong, và ở thời đại kỹ thuật số, một số người bán hàng rong đã trang bị cho mình hệ thống máy ghi âm và loa để phát ra những tiếng rao tự động.

Tôi còn nhớ, thuở tuổi trẻ tôi thường đi đá bóng ở một sân vận động lộ thiên, ở xung quanh sân bóng có nhiều gánh hàng rong tập trung lại để “phục vụ” các “thượng đế” là những “cầu thủ vườn” chúng tôi. Trong đó có đủ cả nào là xe phở, gánh bún, xe bán các loại nước ngọt, trà đá…  thậm chí có cả một “quán” nhỏ bán thịt chó! Và, để bán được hàng, để lôi kéo “thượng đế”, các chủ hàng đã không ngớt cất tiếng rao. Những lời rao hàng hòa quyện, chen lấn vào nhau thành một thứ âm thanh hỗn độn, nhộn nhịp. Có đôi lúc, những lời rao vô tình như cố ý nối tiếp nhau một cách ngây ngô, ngộ nghĩnh.

Ông hàng thịt chó rao lớn:

- Ai chó!

Lập tức ông bán phở trả lời:

- Tớ!

Rồi thằng cha Tàu xì bán cháo huyết lập tức nối theo:

- Đéo biết!

Gần đó có chị bán nước đá, trà đá, bán luôn cả bánh tét và hột vịt lộn. Chị ấy rao:

- Ai… đá… tét… lộn…

Mà chữ “lộn” sau cùng được chị ta kéo dài thành “l… ồ… n…” làm chúng tôi không thể nhịn cười…

HA

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Truyện ngắn


Vòng xoáy nghiệt ngã  

Tình yêu sẽ chẳng là gì nếu không dâng hiến. Yêu mà không đến được với nhau, không hiểu tường tận về nhau thì làm sao có thể gọi là yêu. Cô từng quan niệm như thế với một tâm hồn ngây thơ chưa hề vẩn đục. Cô yêu hết mình, yêu không đắn đo, không vụ lợi và dâng hiến hoàn toàn. Cô nghĩ người yêu của cô cũng thế, cũng chân thành như cô, bởi lẽ cả hai đã “tâm đầu ý hợp”, cùng chung một lý tưởng về tình yêu…
*
Mộng. Từng là những hình ảnh dự định sẽ có trong tương lai. Nó thật rõ ràng. Bước chân lên con đường mà mình đã vạch sẵn ra như thế là quá dễ dàng, quá thuận lợi phải không? Thế sao lại là mộng? Ranh giới giữa thực tại và ảo mộng chẳng thể nào lại mong manh như thế! Có lẽ nào hạnh phúc trong tầm tay chỉ là một giấc mộng thoáng qua?
Một nấc thang lên thiên đường, cô đã bước nhiều nấc, nấc thấp nấc cao, cái thì đi lên, cái thì đi xuống. Cô cứ đi, không biết là đi lên hay đi xuống, thiên đường hay địa ngục, quang cảnh không như thật, mặc kệ! Cô cứ đi, đàng nào cũng vậy, tình yêu của cô đã không là thật, trần gian đã như địa ngục, biết đâu lại lên thiên đàng thì càng hay, xuống địa ngục cũng chẳng có gì đáng lo.
Cô chợt giật mình vì bước hụt chân, nhưng cô không biết mình có ngã hay không vì cô chẳng thấy đau chỗ nào. Cô đang ngồi trên một bãi cỏ dày. Cô nhìn bầu trời màu hồng, sao nó không xanh như mọi hôm nhỉ? Mây trắng lãng đãng trôi, không gian tĩnh lặng, cỏ cây mang sắc màu như tím, như lam, chắc do ảnh hưởng bởi sự áp sắc của ánh sáng bầu trời màu hồng. Mặt trời ở đâu? Cô không nhìn thấy mặt trời ở đâu cả. Hay là mặt trời đã bị che khuất bởi những tầng mây dày đặc? Hay nơi đây là nơi âm cung địa phủ? Thôi, sao cũng được, không cần quan tâm đây là đâu, cô đứng lên và bắt đầu đi. Cô cũng chưa xác định sẽ đi đâu, cứ đi vậy thôi, tới đâu thì tới, chứ chẳng lẽ lại cứ ở mãi một chỗ không một bóng người như thế này.
 Một khu phố cũ hiện ra, cô đi vào, những căn nhà cũ kỹ, tường vôi đã không còn sắc màu gì rõ ràng, cửa gỗ hay cửa sắt đều xập xệ, cũ nát… Cả không gian nơi khu phố này như những đồ phế thải, là những thứ mà người ta bỏ đi, những thứ người ta không dùng tới nữa. Có cả những chiếc xe tập đi. Cô nhớ cô đã từng muốn mua sẵn một chiếc xe tập đi cho em bé như thế. Có những cái ghế nhỏ xinh, những con búp bê, đồ chơi trẻ em vứt lăn lóc, bạc màu, sứt mẻ…, toàn những thứ đồ cũ, đồ đồng nát, ve chai.
Vẫn không một bóng người, khu phố vắng lặng một cách kỳ lạ. Chẳng lẽ không còn ai sinh sống nơi đây? Cô đẩy cửa bước vào một căn nhà. Cũng như bao căn nhà thông thường khác mà cô từng được vào chơi, vừa vào cửa là phòng tiếp khách, nhưng cảm giác vẫn là những đồ vật phế thải đã từ rất lâu rồi không có ai đụng tới. Căn nhà âm u vì thiếu ánh sáng. Cô quan sát thấy có những hộp đèn huỳnh quang nhưng có vẻ như từ lâu lắm không có điện để thắp sáng, nhưng ánh sáng nơi đây, dù ngoài phố hay trong nhà, là một thứ ánh sáng nhờ nhợ, âm u theo kiểu bán âm bán dương, không tối đen dù ở sâu trong nhà không đèn đóm và cũng không sáng rực dù ở ngoài trời.
Nhà không có người ở. Một căn nhà hoang. Bộ ghế trường kỷ bụi bặm, cái tủ chè mốc meo, tường cũ rêu phong, tất cả đều một màu xám xanh ảm đạm, một sự ảm đạm cô chưa từng thấy trên đời. Tất cả không gian và thời gian, cô không biết bây giờ là mấy giờ, dường như nơi này không có khái niệm về thời gian, tất cả đều như là những thứ người ta đã vứt bỏ, tất cả đều là vật phế thải, kể cả bản thân cô. Người ta đã không cần đến cô, không ai quan tâm đến cô. Thậm chí, giờ đây, cô đang ở một thế giới khác, một nơi ranh giới của sự sống và sự chết, một khoảng không gian rất mong manh nằm giữa sự hữu dụng và sự thải hoại, mà có ai biết đâu. Cô đã bị ruồng bỏ, có lẽ vì vậy mà cô đã có mặt ở đây, một nơi tập hợp, một thế giới riêng của những thứ bị ruồng bỏ.
Cô đi sâu vào căn nhà đó, vào tận những phòng ốc bên trong, hoang vắng, lạnh lẽo, âm u, vẫn với thứ ánh sáng nhờ nhợ đủ cho mắt cô trông thấy rõ mọi vật xung quanh. Cô bắt đầu cảm thấy rờn rợn, một nỗi sợ mơ hồ đang xâm chiếm tâm hồn cô, điều mà trước đây không hề có trong cô, khi mà cô đã không còn gì để mất. Những căn phòng bên trong có vẻ như rộng hơn, to hơn, có cả một hành lang dài như trong một bệnh viện. Bệnh viện nơi cô từng vào trước đây cũng có cái hành lang tương tự. Hay đây là cái bệnh viện ấy? Không thể nào! Nơi đây là nơi mọi thứ bị bỏ phế cơ mà! Đúng là hoang phế, vì hành lang không một bóng người. Đây là đâu? Cô muốn biết, muốn có ai đó để hỏi thăm, nhưng thật vắng lặng.
Cô nghe rõ từng bước chân của chính mình, cô nghe cả lòng mình đang chộn rộn những điều mâu thuẫn. Cô đang chạy trốn mọi người, chạy trốn cả cuộc đời của cô. Cô không muốn gặp bất cứ ai. Cô chỉ muốn một mình đến một nơi vô định nào đó. Thì đây, cô đã ở vào một nơi gần như thỏa mãn mọi điều kiện của cô, một nơi không có bóng dáng con người, và chỉ toàn là những vật phế thải, cô lại muốn trông thấy một ai đó hiện diện. Có lẽ, trong nỗi cô đơn tận cùng, chất người trong cô lại đánh thức những bản năng…
- Oa… oa… oa…
Cô bỗng nghe văng vẳng có tiếng trẻ con khóc. Lòng cô chợt chùng xuống một nỗi lo lắng nặng nề. Một nơi hoang vắng, một nơi không giống với thế giới trước đây của cô mà người ta hay gọi là trần gian, một nơi vất vưởng giữa sự sống và cái chết, không thể nào là nơi nuôi dưỡng trẻ con, sao lại có tiếng trẻ con khóc nơi đây? Cô vội vã đi tìm, không thể nào để trẻ thơ lạc vào chốn này được, nó sẽ chết mất. Ở đây, từ lúc bước vào, cô chưa thấy chỗ nào có nước hay thức ăn, sữa lại càng không, cô thì bất cần rồi, nhưng còn đứa bé, không thể để nó ở đây được. Cô phải cứu nó, phải tìm nó và đưa nó ra khỏi đây.
- Oa… oa… oa…
Tiếng khóc của đứa bé đã rõ ràng hơn, chắc cũng chỉ gần đâu đây thôi. Cô dáo dác nhìn quanh, một hành lang dài với dãy phòng cửa đóng kín bưng. Cô đẩy cửa một căn phòng, bên trong có ba cái giường, loại giường bệnh viện nhưng cũ nát, không một bóng người. Cô lại đẩy cửa một căn phòng khác, cũng không có một ai, cũng những chiếc giường và vật dụng phế thải. Ở một căn phòng khác thì cô lại nhìn thấy những chiếc nôi, có cả những chiếc lồng ấp y khoa dùng nuôi trẻ đẻ non, nhưng tất cả cũng đều cũ nát, hoang vắng.
Cô lại nghe tiếng khóc, không thể ở trong phòng vì hễ cô bước vào trong thì nghe tiếng khóc của đứa bé nhỏ lại, khi bước ra hành lang thì tiếng khóc nghe rõ hơn. Chẳng lẽ nó lại ở bên ngoài? Cô bước dọc lối đi bên ngoài hành lang, trên lối đi có đặt những thùng đựng rác, cứ cách khoảng hai mươi mét là có một cái. Khi cô đi đến gần một cái thùng rác như thế thì cô nghe tiếng khóc lớn hơn, rõ hơn. Cô kinh hoàng chợt nghĩ, có lẽ nào đứa bé lại nằm trong thùng rác? Cô hồi hộp bước tới gần và lật nắp thùng rác lên…
- Ôi, mẹ ơi!
Cô thảng thốt kêu to lên một cách bột phát, bất ngờ. Đúng như cô nghĩ, nhưng cô không tin vào mắt mình, một đứa bé còn đỏ hỏn, có phần hơi tím tái, đang nằm gọn trong một góc thùng rác. Đứa bé chỉ nhỉnh hơn cái bắp chân của cô, rõ ràng là mới vừa được sinh ra, băng rốn còn mới và trên cái cổ chân bé xíu của đứa bé vẫn còn giải băng cao su ghi tên sản phụ. Cô bồng đứa bé lên, ôi sao nó nhẹ bỗng, chắc nó chỉ nặng khoảng hai hoặc hai ký rưỡi là cùng, không một chút hơi ấm, có lẽ tại nó nằm trong thùng rác quá lâu chăng? Lòng cô đầy thương xót và phẫn nộ. Bà mẹ nào sinh con ra rồi quăng bỏ như thế này thật là nhẫn tâm. Đúng là nó bị vứt bỏ thật rồi, vì chỗ nó nằm là cái thùng rác, và vì nơi đây là thế giới của những thứ bỏ đi, cả đồ vật lẫn con người. Chính bản thân cô cũng là một thứ bỏ đi của đời người, mà do chính cô chứ không phải ai khác, đã tự vứt bỏ mình. Cô cảm thấy có một mối dây liên hệ với đứa bé, chí ít cũng là một sự đồng cảnh ngộ. Nó vẫn khóc oa oa, nhưng không phải là khóc ngặt nghẽo như bao đứa trẻ sơ sinh bị bỏ đói khác, tiếng khóc của nó lạ lùng. Nghe đi nghe lại và nhìn chăm chú vào nó, cô cũng chỉ thấy rõ ràng là nó đang khóc. Nó khóc chứ không phải nó nói. Trẻ sơ sinh thì làm sao mà nói được chứ! Ấy vậy mà như cô hiểu được nó nói gì trong tiếng khóc oa oa ấy:
- Mẹ ơi, mẹ có phải là mẹ của con không?
Thật lạ lùng, cô đảo mắt nhìn quanh, xem có ai ngoài cô và đứa bé không. Đúng là không có ai. Cô nghe rõ ràng nó chỉ khóc oa oa mà thôi, nhưng sao cô lại hiểu là nó nói như thế? Cô lạnh người vì một nỗi sợ mơ hồ xâm chiếm. Cô nhìn đứa bé đang bồng trên tay, nó có một nét đẹp thiên thần dù đang tím tái, quặt quẹo. Không việc gì phải sợ hãi một đứa bé sơ sinh như thế, cô trả lời nó từng tiếng một:
- Cô không phải là mẹ của con! Cô cũng là người bị bỏ rơi như con vậy.
Đúng là đứa bé đã nói với cô thông qua tiếng khóc oa oa. Điều này cũng dễ hiểu, vì trước đây cô đã từng đọc nhiều tài liệu nghiên cứu nói rằng những người mẹ sẽ hiểu được con trẻ muốn nói gì trong tiếng khóc của nó. Nhưng, cô chưa có con cơ mà? Trước khi đến nơi này, cô còn không thích những tiếng khóc chói tai của chúng cơ mà? Tuy nhiên, cô cũng đã bớt sợ. Cô lại nghe đứa bé khóc:
- Cô có biết mẹ của con đâu không?
Nghe thật tội nghiệp, cô ôm nó vào lòng:
- Cô không biết.
- Mẹ con vừa mới đây mà. Cô tìm mẹ giúp con với!
- Khi cô đến đây thì không còn thấy ai nữa.
Cô không biết phải giải thích với nó thế nào, rằng nơi đây không phải là nơi mẹ nó hiện diện để mà vứt bỏ nó. Mà là mẹ nó đã bỏ nó sau khi sinh tại bệnh viện nơi trần thế. Mẹ nó đã vứt bỏ nó vào thùng rác nên không ai nhìn thấy. Chính vì thế mà nó có mặt ở đây, thế giới của những thứ bị vứt bỏ, không chừng đây cũng là nơi của những người đã chết. Sau khi chết, người ta sẽ đến được nơi này. Cô không chắc lắm về điều đó, bởi nếu là nơi của người chết, tức là nơi mà người đời hay gọi là âm phủ, thì sao cô không nhìn thấy người chết nào khác? Còn nếu là thế gian thông thường thì sao cô cũng không trông thấy một người sống nào? Và, với tình trạng của cô hiện tại, sau một biến cố về tình cảm đã hủy hoại đời mình, cô nghĩ rằng mình đã chết. Cô không thể nói với đứa bé rằng nó đã chết. Cô không biết nó có hiểu điều đó hay không, khi nó vừa mới được sinh ra, chưa kịp biết là mình được sống. Đau xót cho số phận đứa bé, giọt nước mắt tưởng đã cạn khô của cô lại lưng tròng. Cô đã tưởng rằng cô sẽ không cảm thấy đau nữa vì đã quá đau cho tình cảnh của mình. Bây giờ, ôm đứa bé trong vòng tay, cô lại đau thay cho nỗi đau của đứa bé. Ôi, con ơi! Con chỉ mới được sinh ra, không biết là được bao nhiêu ngày tuổi, không biết là con đã được bú một giọt sữa mẹ nào chưa, hay vừa lọt lòng là con đã bị mẹ bỏ ngay vào thùng rác? Người mẹ nào mà lại bỏ con mình như thế chứ? Loài thú còn không làm như vậy cơ mà? Hoàn cảnh ư? Hay là vòng xoáy cuộc đời nghiệt ngã đến mức khiến con người phải hành động dã man hơn loài thú? Cô nấc nghẹn nhìn đứa bé trong vòng tay, lòng đầy thương xót:
- Mẹ con đã đi xa rồi, bây giờ cô sẽ là mẹ của con nhé!
Đứa bé như cảm nhận được tấm lòng ấm áp của cô, nó không khóc nữa, không nói gì với cô nữa. Nó dường như bằng lòng với thực tại, có một vòng tay ôm ấp, chở che cho nó, giúp nó giảm bớt nỗi đau của số phận bị bỏ rơi khi vừa mới mở mắt chào đời. Nó ngủ thiếp đi, chắc là nó đã mệt lắm. Cô ôm chặt nó vào lòng và thảng thốt nhận ra nó đã cứng đơ, lạnh ngắt từ bao giờ. Đúng rồi, nó đã chết từ lâu, chết ngay từ lúc mẹ nó vứt nó vào thùng rác, cũng như cô đã chết từ lúc tình yêu của cô tan vỡ để rồi bước chân lạc vào chốn này.
Dù đứa bé có là chết hay không, cô cũng không thể nào bỏ nó trở lại thùng rác được, cô phải tìm cho nó một nơi nào đó sạch sẽ hơn. Cô bồng đứa bé đi dọc hành lang, dự định đi ngược lại để trở về lối cũ đã đưa cô vào đây, nhưng lạ thay! Cô không nhận ra lối cũ, khung cảnh đã hoàn toàn đổi khác, bây giờ là một lối đi không còn là hành lang bằng phẳng nữa, mà đột nhiên nó lại là một lối đi hẹp, một đường mòn trên nền đất, cỏ xám mọc lưa thưa. Cô bước theo lối mòn dẫn tới khu vườn có một cái ao cạn, nước lấp xấp. Khu vườn với vài cây cối cũng mang một màu xám xịt như không còn sức sống. Cây cối cũng có vẻ như là những thứ bỏ đi, không là cây ăn trái, cũng chẳng là cây trồng làm kiểng. Một khu vườn chết, âm u, lạnh lẽo…
- Oa… oa… oa…
Ồ, lại có tiếng khóc trẻ con văng vẳng. Lại có một đứa bé bị bỏ rơi nữa ư? Chẳng lẽ số phận bị bỏ rơi đau đớn của đứa bé cô đang bồng trên tay không phải là trường hợp duy nhất? Chẳng lẽ nhân loại với dân số quá nhiều đã không còn cần thiết đến sự sinh tồn của những đứa trẻ đã nên hình nên vóc? Cô hoang mang đi tìm theo hướng tiếng khóc phát ra. Một nơi hoang vắng, tĩnh lặng như thế này thì việc tìm kiếm nơi phát ra tiếng khóc trẻ con không có khó khăn gì, ngay bờ ao, cô đã nhìn thấy một đứa bé sơ sinh nằm úp mặt dưới vũng nước, không một mảnh khăn hay tã quấn lấy tấm thân trơ trọi, bé choắt. Cô còn kinh hoàng nhận ra đứa bé vẫn chưa được cắt cuống rốn, sợi dây rốn dài còn vương theo cả cái bọc nhau… Ôi, thật là kinh sợ! Đứa bé trên tay cô đang bồng ít nhất khi lọt lòng mẹ cũng đã được người ta tắm rửa, cắt và băng rốn cho, còn đứa bé này… Ôi, chao ôi! Thật là đau xót cho bé! Người mẹ nào đẻ hoang, đẻ rớt rồi vứt bỏ con luôn như thế này? Cầm thú cũng không hành động như thế! Đúng rồi, con người, chỉ có con người mới có dã tâm bởi có đầu óc tinh vi, tạo ra cho đời những vòng xoáy nghiệt ngã, oan khiên. Cô ngồi thụp xuống và khóc. Cô khóc một cách ngon lành, khóc than cho những số phận con trẻ còn chưa kịp được hưởng diễm phúc làm người đã vội xa trần thế. Cô khóc trong khi trước đó nước mắt cô đã cạn khô cho cuộc tình lừa đảo. Cô không khóc cho cô, mà khóc cho những đứa trẻ bất hạnh, sự bất hạnh không phải cô chưa từng nhe nói, chưa từng đọc thông tin trên báo, sự bất hạnh mà giờ đây cô mới kiểm chứng sự thật bằng mục sở thị.
- Tại sao con khóc?
Cô giật mình khi nghe tiếng nói phía sau. Ồ, Bụt ư? Cô đâu có tin vào những câu chuyện cổ tích hoang đường? Nơi chết chóc, nơi của những thứ bỏ đi này sao có Bụt hiện diện được chứ? Mà Bụt có xuất hiện nơi đây thì cũng làm được gì chứ? Sao ông không xuất hiện đúng thời điểm những người mẹ vì không chịu nổi áp lực vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời đã vứt bỏ con mình? Chẳng lẽ trước lúc đành đoạn vứt bỏ con mình, những bà mẹ ấy không khóc? Bụt thiêng với ai chứ? Cô xoay người nhìn về phía tiếng nói vừa phát ra với lòng đầy uẩn khúc. Cô trông thấy một ông già lọm khọm, áo quần cũ nát đầy vẻ phong sương, đang đẩy một chiếc xe hình dáng như những chiếc xe ba gác chở hàng. Ông già khá trọng tuổi, chắc cũng bảy, tám mươi gì đây. Một ông già thông thường như bao người già khác cô từng gặp ở thế giới thực trước đây, vậy là không phải Bụt, không là thần thánh gì ghê gớm. Cô gạt nước mắt trả lời:
- Cháu tội nghiệp cho những đứa trẻ này!
Cô xoay tay đang bồng đứa bé đồng thời chỉ tay xuống ao cho ông già nhìn thấy cả hai đứa. Rồi cô hỏi thăm ông cụ:
- Ông là người đi thu gom phế liệu à? Cháu thấy quanh đây có rất nhiều đồ phế thải có giá trị.
Ông cụ nói, giọng nói xa xăm:
- Ừ, ta đi thu gom những gì con người đã hoàn toàn vứt bỏ.
Nói đoạn, ông cụ rảo bước đến mép bờ ao, cúi xuống vớt đứa bé còn dính cuống rốn với bọc nhau lên, đi về phía chiếc xe đẩy và đặt đứa bé vào trong thùng xe, rồi ông quay sang nói với cô:
- Cháu đưa cả đứa bé ấy cho ta!
Cô ngờ ngợ, ông già trông không có vẻ gì là hung ác, nhưng ông cần những đứa trẻ sơ sinh chết rồi này làm gì chứ. Như hiểu được nỗi đắn đo của cô, ông già nói:
- Cháu cứ đưa cho ta. Ta đã chuẩn bị sẵn một nơi cho chúng nó nương thân, cũng chẳng gọi là ấm áp gì, nhưng cũng còn hơn là để chúng vất vưởng bờ ao, bãi rác. Cháu hãy lại gần đây mà xem này!
Ông vẫy cô lại gần cái xe đẩy. Cô tiến lại gần và nhìn vào trong thùng xe… Ôi cha mẹ ơi! Cô đã xuýt kêu lên thành tiếng khi trông thấy hơn mười thân hình nhỏ bé của những đứa bé còn ở dạng bào thai, cái thì như con chuột con, cái thì như con thỏ con hay heo sữa, đứa may mắn thì còn lành lặn, đứa khác thì bị đứt tay chân do dao kéo phẫu thuật lúc mẹ của chúng thực hiện việc… phá thai. Chúng nheo nhóc, quặt quẹo, oằn mình đau đớn khi phải xa rời lòng mẹ. Chúng ngọ ngậy, mấp máy đôi môi bé xíu như muốn nói điều gì đó với cô. Và, cô đã có cảm giác như mình nghe được chúng, rằng chúng đã hỏi tại sao mẹ chúng lại bỏ chúng như thế. Những sinh linh đã được hoài thai ngoài ý muốn chăng? Kinh khủng, thật kinh khủng! Những mầm sống đang nên vóc nên dáng con người, thế mà người ta lại đang tâm vứt bỏ, giết hại. Cô đau xót không nói nên lời, giương mắt nhìn ông già như muốn hỏi cả trăm điều còn chưa tỏ tường. Ông già nói:
- Ta đi gom chúng vào với nhau, để chúng vào một nơi tập trung sạch sẽ, cũng chỉ mong giảm bớt phần nào nỗi đau bị vứt bỏ cho chúng nó.
- Chúng là những đứa trẻ, những mầm sống vô tội mà phải không ông?
- Đúng đấy cháu ạ!
- Vậy sao chúng lại không được lên Thiên đường, mà lại để chúng chịu đau khổ ở đây?
- Ta nào biết được, ta cũng như cháu, như những đứa trẻ này, cũng là người bị người ta vứt đi mà thôi! Chúng có được vào Thiên đường hay không, ta không thể nào biết được.
- Cháu tưởng ông là… À, sao lúc nãy ông bảo ông là người thu gom phế liệu?
- Thì đây, ta đi thu gom những thứ này đây!
- Vậy mà ban đầu cháu cứ tưởng ông là Bụt hay là Thánh gì đấy! À, mà sao ông lại bảo là ai đó vứt bỏ ông?
- Đây là thế giới của những thứ bị vứt bỏ mà, đúng không? Bất cứ ai, bất cứ thứ gì mà bị con người vứt bỏ sẽ hiện diện nơi đây. Kia là khu phố bỏ hoang, quy hoạch kém hiệu quả rồi bỏ phế. Đây là những căn nhà hoang, những vật dụng phế thải, và nhất là những con người - người lớn thì mới chỉ thấy có ta và cháu - nhiều nhất là trẻ sơ sinh và những bào thai, nhỏ thì ba, bốn tháng, lớn cũng sáu, bảy tháng, hằng ngày bị người ta nạo bỏ vô số kể. Ta trước đây cũng có gia đình, con cái năm, bảy đứa dâu rể đề huề. Không biết có phải tại ta không biết dạy con, hay tại vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc sống trong xã hội đã làm chúng nó mất hết nhân tính, mà chỉ đầy lòng tham, bất nghĩa, vô nghì. Ta có miếng đất hương hỏa ông bà, chúng ép ta bán đi để chia cho chúng, rồi việc nuôi báo cô ông già này trở thành gánh nặng cho chúng nó. Chúng đùn đẩy nhau việc nuôi bố, cuối cùng ta phải tự nuôi sống bản thân bằng cách đi thu gom phế liệu như cháu thấy đấy. Rồi một hôm, ta cũng không hiểu sao ta lại đến được đây. Qua một thời gian ta mới nghiệm ra rằng đây là thế giới trong ảo tưởng, thế giới của những linh hồn bị vứt bỏ. Có lẽ, ở thế giới thực của ta trước đây, ta đã chết rồi! Lúc mới đến nơi đây, ta theo thói quen vẫn đi thu gom phế liệu, vì ở đây đồ phế liệu có giá trị rất nhiều, nhưng rồi khi gom lại thì không biết bán cho ai. Từ từ ta mới nhận ra, nhu cầu của ta, cũng như của những đứa trẻ này ở nơi đây, không phải là ăn uống, vui chơi, hưởng thụ như ở thế giới thực, mà là một nhu cầu về sự an ủi, nhu cầu về một sự siêu hình, thoát tục mà ta khó lòng diễn tả. Cho nên, ta đã đi nhặt nhạnh, thu gom những bào thai, những đứa bé sơ sinh bị vứt bỏ tập trung vào một nơi ấm áp mang đầy sự ủi an…
- Ông ơi, thế vợ ông ở đâu ạ?
- Bà ấy đã chết trước ta lâu lắm rồi cháu ạ. Ta những tưởng sẽ gặp bà ấy nơi đây, nhưng không phải, vì bà ấy không bị vứt bỏ như ta. Bà ấy giờ ở một nơi nào đó, có thể là Thiên đường hoặc một nơi nào tương tự nơi này. Ta không nghĩ bà ấy phải vào Địa ngục, vì chốn trần gian bà đã trải qua nào có khác gì! Còn cháu, cháu trông còn trẻ thế kia mà, sao lại có mặt ở đây được?
- Dạ, cháu cũng không biết nữa! Cháu buồn chán cứ thả bước vô định thì lạc vào đây ạ!
- Tuổi trẻ tươi rói thế kia thì có gì mà buồn chán đến độ tự vứt bỏ mình đi như thế? Chắc chắn chuyện tình trai gái là nguyên nhân?
- Dạ, cháu vừa tốt nghiệp đại học và đi làm tại một công ty kinh doanh. Nhờ có chút nhan sắc nên được nhiều người để ý. Thế rồi cháu yêu anh trưởng phòng với tất cả tấm chân tình, và cháu tưởng rằng anh ấy cũng thật tâm yêu cháu. Cháu không thể ngờ, anh ta là kẻ lừa tình lão luyện. Anh ấy đã có gia đình nhưng nói dối với cháu là anh chưa vợ. Khi cháu thông báo với anh ấy rằng cháu có thai thì anh ấy vội quay lưng, và vợ anh ấy xuất hiện với những sự ghen tuông khủng khiếp. Cháu bị sốc nặng. Cháu từng đến bệnh viện khám và dự định nạo bỏ cái thai… thế rồi bước chân vô định đã đưa cháu đến đây.
Cháu đã từng mộng tưởng rằng đường đời cháu được trải thảm hoa hồng, học hành thành đạt không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, rồi có việc làm như ý, và tình yêu đầy thơ mộng tiếp nối. Trong tình yêu, cảm xúc của cháu là thật, và cháu nghĩ rằng cảm xúc của anh ấy cũng thế. Hai tâm hồn đồng điệu, hai trái tim cùng đập một nhịp, cả tinh thần và thể xác tuy hai mà một, đã hòa quyện vào nhau, đã là một thực thể hiển hiện của tình yêu và đã có kết quả kết tinh một mầm sống bên trong cháu. Cháu không thể tin được, đó lại là sự giả dối kinh hoàng… Cháu đã yêu không dò xét, không toan tính thiệt hơn, để mà yêu hết lòng. Chẳng lẽ khi người ta yêu, người ta phải so đo, cân đong từng chút lợi lộc, thiệt hại hay sao?
- Và, cháu coi như mình chẳng còn gì, cháu đã chết từ trong lòng chết ra, nên cháu đã đến đây - thế giới của những thứ bị vứt bỏ?
- Dạ, cháu nghĩ là như vậy.
- Không đâu, ông lại nghĩ khác cháu ạ! Cháu còn cha mẹ chứ?
- Dạ, còn ạ!
- Và, họ vẫn đang chờ cháu quay về?
- Vâng, bố mẹ cháu lúc nào cũng thương cháu và sẵn sàng đón cháu quay về ạ!
- Vậy thì cháu không thể nào thuộc về nơi này được. Vì cháu tự vứt bỏ mạng sống của mình và của đứa con trong bụng, nên có thể cháu chỉ tạm thời có mặt ở đây thôi. Cháu không như ông, không còn ai quan tâm nơi trần thế. Cháu còn cha mẹ đang mòn mỏi ngóng chờ để sẵn sàng đón nhận cả cháu lẫn đứa con trong bụng. Cháu đã thấy những đứa trẻ sơ sinh và những bào thai bị vứt bỏ đã đau đớn như thế nào ở đây rồi đấy. Chẳng lẽ cháu muốn như thế, muốn con mình như thế? Sự xấu hổ và nỗi ô nhục của hai chữ “chửa hoang” không đủ lớn để lấn át đi tình mẫu tử thiêng liêng nói riêng và tình người nói chung, chẳng ai nói mãi được câu gièm pha, chế giễu. Còn tình yêu chân thành thì ông tin rằng sau này cháu sẽ gặp, không có gì gọi là muộn màng cả. Cháu hãy quay về với cuộc sống, dẫu có nhiều chông gai nhưng cũng có nhiều niềm hạnh phúc không kém nếu biết trân trọng và tích cực đi tìm. Sự vấp ngã hôm nay sẽ là một bước đệm vững chắc cho con đường tương lai, đừng vì nó mà hủy hoại bản thân mình - không chỉ thuộc về mình, mà còn thuộc về cha mẹ, anh chị em, bạn bè và cả những người chung quanh.
- Vậy, bây giờ cháu có thể quay về được hả ông?
- Đúng thế! Vì cháu có người thân đang chờ.
- Vậy… cháu chào ông, cháu đi về đây. Ông chỉ cho cháu lối ra với, hình như cháu đã bị lạc lối nơi đây rồi.
- Ông không biết cháu vào đây bằng lối nào, nhưng cháu hãy đi ra bằng lối ông đã vào thử xem.
- Ồ, ông còn nhớ lối vào ư? Vậy ông hãy cùng cháu đi về…
- Không! Ông không thể về, vì đâu còn ai nhớ đến ông nữa, con cháu của ông đã vứt bỏ ông thật sự rồi!
- Không! Ông cứ đi với cháu, không thể nào không có ai…
Cô cứ nắm tay lôi ông già về hướng có những bậc thang thấp cao, và cô cứ thế dấn bước…
*
 Cô cứ bước đi, không phải là vô định. Cô muốn trở về với thực tại. Cô hầu như đã tỉnh mộng. Ông già đâu rồi? Ông già đã có những lời khuyên chí tình và thấu đáo mọi lẽ như thế không thể là ảo được, không thể là sản phẩm từ trí tưởng tượng của cô được. Cô nhìn quanh quất, vẫn là những bậc thang cái cao, cái thấp… Hay đây là những bậc thang của cuộc đời? Cô chẳng muốn leo cao nữa đâu, còn đi xuống, nếu đã ở đáy thì còn đi xuống đâu được nữa? Cô chỉ muốn về nhà thôi, về với mẹ của mình trong vòng tay ấm áp…
- Ê, này! Cái cô kia! Đi đứng làm sao thế hả? Nhìn đường mà đi chứ! Vừa đi vừa mơ mộng thế xe nó quệt cho thì lại bảo xui xẻo… Đi sát vào trong lề ngay!
Cô giật mình định thần lại rồi ngước lên nhìn thì thấy ông già đẩy xe phế liệu đã suýt đâm phải cô trên làn đường dành cho người đi bộ. Lướt ngang qua cô, ông già còn nguýt cô một cái rõ dài. Còn cô thì đã nhìn thấy bầu trời trong xanh chan hòa ánh nắng rực rỡ và con đường về nhà nhộn nhịp người xe… 

Hoàng An (Cao Xuân Vinh) - 4/2012
Đã được đăng trên nguyệt san Doanh Nhân Gài Gòn cuối tháng 5/2012 (số 62)